CHỈ THỊ

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 186 - TTG NGÀY 7 THÁNG 6
NĂM 1980 VỀ TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC ĐỜI SỐNG TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP,

SƯ PHẠM KỸ THUẬT VÀ TRƯỜNG DẠY NGHỀ

 

Trong tình hình khó khăn chung của đất nước, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề đã có cố gắng trong việc tổ chức đời sống vật chất của học sinh để phục vụ cho mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật. Tuy nhiên, công tác tổ chức đời sống vật chất ở nhiều trường đang có nhiều nhược điểm và thiếu sót cần được mau chóng khắc phục:

- Tình trạng tham ô, mất cắp, lãng phí lương thực, thực phẩm, chất đốt, v.v... Còn khá phổ biến; học sinh và cán bộ chưa được ăn đủ và ăn hết tiêu chuẩn; vệ sinh ăn uống chưa bảo đảm; nhà ăn, nhà ở, trang bị, dụng cụ phục vụ đời sống chưa đủ, những thứ đã có chưa được sử dụng, bảo quản tốt;

- Chế độ cung cấp lương thực, thực phẩm, chất đốt, v.v... Chưa được thực hiện nghiêm túc, có nơi đã tuỳ tiện cắt xén tiêu chuẩn hoặc đặt ra nhiều thủ tục gây phiền hà cho các trường;

- Việc tổ chức tăng gia sản xuất để tự cải thiện ở nhiều trường chưa được coi trọng đúng mức; ý thức làm chủ tập thể của học sinh còn yếu; học sinh chưa tham gia tích cực vào việc quản lý đời sống ở các trường;

- Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Tổng cục Dạy nghề, Các Bộ, Tổng cục và các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố có trường chưa quan tâm lãnh đạo chặt chẽ công tác tổ chức đời sống trong các trường.

Những nhược điểm, thiếu sót nói trên đã có những ảnh hưởng xấu đến chất lượng đào tạo cán bộ, công nhân. Để khắc phục những thiếu sót đó, thiết thực góp phần thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về cải cách giáo dục, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt các chủ trương và biên pháp dưới đây:

1. Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Tổng cục Dạy nghề, các ngành, các địa phương có trường và các Ban giám hiệu các trường phải chịu trách nhiệm về tổ chức đời sống của học sinh và phải chủ động phối hợp với Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và công đoàn các cấp để chăm lo tốt công tác này.

Bộ Nội thương, Bộ Lương thực và thực phẩm, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ, Tổng cục khác có liên quan chịu trách nhiệm về việc cung ứng các điều kiện vật chất cần thiết để các ngành, các địa phương và Ban giám hiệu các trường có thể tổ chức tốt đời sống trong nhà trường.

2. Trước mắt phải đạt cho được những yêu cầu tối thiểu sau đây:

A. Về ăn uống: Phải bảo đảm mọi người ăn đủ tiêu chuẩn đã được quy định, có đủ nước uống hợp vệ sinh và nâng dần mức ăn bằng cách tăng gia sản xuất tự cải thiện.

B. Về ở: Phấn đấu giải quyết chỗ ở cho học sinh và cán bộ, nhân viên theo tiêu chuẩn diện tích đã quy định, có đủ giường nằm, giá sách, bàn học, nhà tắm, nhà xí hợp vệ sinh. Nơi có học sinh gái phải có đủ nhà vệ sinh kinh nguyệt cho học sinh gái.

3. Phải bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm, chất đốt, v.v... Cho các trường

Bộ Lương thực và thực phẩm, Bộ Nội thương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo các Sở, Ty tổ chức cung cấp lương thực, thực phẩm, chất đốt, v.v... Tại chỗ, đủ tiêu chuẩn, đúng thời gian và thuận tiện cho các trường, không được đặt ra những thủ tục phiền hà. Đối với các nơi gặp khó khăn đặc biệt, không cung cấp được tại chỗ, nếu cơ quan cung ứng được nhà trường thoả thuận về việc nhà trường tự tổ chức vận chuyển lấy thì cơ quan cung ứng phải thanh toán cước phí vận chuyển theo hợp đồng thực tế để không ảnh hưởng đến tiêu chuẩn bữa ăn hàng ngày của học sinh, cán bộ và công nhân viên.

- Các ngành lương thực, thực phẩm, nội thương và các địa phương không được tự ý cắt xén tiêu chuẩn cung cấp lương thực, thực phẩm, chất đốt đã quy định cho các trường nếu không có lệnh của Chính phủ.

4. Phải chấn chỉnh và tăng cường bộ máy tổ chức quản lý đời sống ở các trường. Mỗi trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, sư phạm kỹ thuật, trường dạy nghề, phải có một Phó hiệu trưởng phụ trách công tác đời sống và phải tổ chức phòng (hoặc ban) quản lý đời sống, tương đương với các phòng, ban nghiệp vụ khác của trường. Phòng (hoặc ban) này có nhiệm vụ giúp Ban giám hiệu trong việc chỉ đạo các hoạt động phục vụ đời sống học sinh như nhà ăn tập thể, tổ chức tăng gia sản xuất, hợp tác xã tiêu thụ, căng tin, v.v...

Nhà ăn tập thể của các trường phải được tổ chức thành một đơn vị công tác của trường và phải được quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc hạch toán kinh tế.

Theo sự hướng dẫn về nghiệp vụ của Bộ Nội thương, Bộ Tài chính, các Bộ, Uỷ ban có trường học phải chỉ đạo và quản lý tốt các nhà ăn tập thể.

Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và công đoàn ở các trường có trách nhiệm phối hợp với nhà trường để vận động học sinh và cán bộ, công nhân trong trường phát huy quyền làm chủ tập thể trong công tác quản lý đời sống, tham gia ý kiến vào các kế hoạch tổ chức đời sống tập thể và kiểm tra việc thực hiện các chế độ, tiêu chuẩn.

5. Từng bước tăng cường và bổ sung cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ đời sống ở các trường.

A. Đối với nhà ăn tập thể: mỗi trường phải có nhà ăn tập thể đủ diện tích quy định, có đủ bàn ghế, bát đĩa, v.v... Các trường, trước hết là các trường lớn phải trang bị dần từng bước một số thiết bị chế biến mì và chế biến thức ăn trong các nhà ăn tập thể. Bộ Nội thương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo ngành thương nghiệp cung ứng các dụng cụ, thiết bị cần thiết cho nhà ăn tập thể của các trường.

Bộ Nội thương cùng Bộ Xây dựng phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu và ban hành các thiết kế mẫu về nhà ăn tập thể, định mức đầu tư về trang bị, dụng cụ cho các nhà ăn đó. Các cơ quan có trường lập kế hoạch xây dựng hoặc trang bị cho các nhà ăn tập thể căn cứ vào các thiết kế mẫu; các định mức đầu tư nói trên.

B. Đối với nhà ăn (ký túc xá): song song với việc sử dụng hợp lý diện tích hiện có, các trường phải từng bước phấn đấu có đủ chỗ ở cho học sinh theo tiêu chuẩn đã được quy định.

Các ký túc xá học sinh từ nay được xếp vào loại công trình được ưu tiên cung ứng vật tư như các công trình nhà ở của các thành phố lớn và khu công nghiệp.

Trong khi lập chỉ tiêu kế hoạch hàng năm cho khu vực đào tạo, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cần dành một tỷ lệ thích đáng về vốn và vật tư để xây dựng các nhà ăn và nhà ở cho học sinh các trường có nội trú.

6. Tổ chức tốt việc tăng gia sản xuất để tự cải thiện đời sống. Các trường phải huy động hợp lý lực lượng lao động và tiềm lực khoa học kỹ thuật của nhà trường để tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm v.v... Nhằm cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân, học sinh trường mình, trước hết là phục vụ tốt cho bữa ăn.

Ngoài việc nhà trường phải tận dụng đất đai sẵn có trong phạm vi trường, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tuỳ theo điều kiện cụ thể của địa phương mà cho các trường mượn đất trong từng thời vụ hoặc nếu có đất chưa sử dụng thì cấp cho các trường một số đất để các trường tổ chức tăng gia sản xuất. Sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi của trường làm ra được đưa vào bữa ăn của trường, không bị khấu trừ vào tiêu chuẩn cung cấp của Nhà nước.

Ngoài ra tuỳ theo khả năng và điều kiện của trường mình, các trường được nhận làm các đề tài nghiên cứu, các đồ án thiết kế, được tổ chức cơ sở sản xuất để huy động lực lượng học sinh và cán bộ giảng dạy sản xuất ra những mặt hàng do cơ quan, xí nghiệp Nhà nước hoặc các hợp tác xã gia công đặt hàng hoặc bằng các nguyên liệu không do Nhà nước quản lý. Tiền lãi thu được trong sản xuất không phải nộp vào ngân sách Nhà nước, mà được sử dụng để cải thiện bữa ăn và tăng cường cơ sở vật chất cho đời sống tập thể của trường. Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Tổng cục Dạy nghề cùng các Bộ có liên quan cần hướng dẫn cho các trường tăng gia sản xuất và kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng kết quả thu được.

7. Chọn lựa, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ, nhân viên làm công tác đời sống ở các trường. Các ngành và địa phương phải lựa chọn và bố trí những cán bộ có phẩm chất tốt và có hiểu biết cần thiết để làm công tác quản lý đời sống ở các trường; kiên quyết thay đổi những người không có năng lực và kém phẩm chất, đạo đức cách mạng, xử lý kịp thời và nghiêm minh những người tham ô và vô trách nhiệm.

Bộ Nội thương có trách nhiệm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nghiệp vụ về ăn uống công cộng và kỹ thuật nấu ăn để bổ sung cho các nhà ăn tập thể của các trường.

Khi xây dựng để trình Chính phủ quyết định chỉ tiêu đào tạo, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Nội thương phải tính cả nhu cầu về các loại cán bộ này cho các trường Đại học và trung học chuyên nghiệp.

Bộ Nội thương, Bộ Lao động phối hợp với các ngành có liên quan, Bộ Tài chính, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Tổng cục Dạy nghề, Tổng công đoàn Việt Nam nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành các chế độ lương và phụ cấp cho những cán bộ, nhân viên công tác trong các nhà ăn.

Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Tổng cục Day nghề và các ngành có trường phải phối hợp chặt chẽ với Tổng Công đoàn và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để tổ chức chỉ đạo các trường làm tốt công tác đời sống theo chỉ thị này. Bộ Nội thương chịu trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ và kiểm tra các Bộ, các địa phương trong việc tổ chức và quản lý các nhà ăn tập thể ở các trường học.

Các ngành nói trên phải thường xuyên hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổ chức rút kinh nghiệm của những nơi làm tốt, tổ chức phổ biến kinh nghiệm để nhân lên nhanh chóng các điển hình tiên tiến.

Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Nội thương, các Bộ và các địa phương có trường phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Tên văn bản : Chỉ thị về tăng cường tổ chức đời sống trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, sư phạm kỹ thuật và trường dạy nghề
Loại văn bản : Chỉ thị
Số hiệu : 186-TTg
Ngày ban hành : 07/06/1980
Cơ quan ban hành : Thủ tướng Chính phủ,
Người ký : Tố Hữu,
Ngày hiệu lực :
Văn bản liên quan : 0    Đóng