THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 18/2004/TT-BGD&ĐT
NGÀY 21 THÁNG 6 NĂM 2004 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN

MỘT SỐ ĐIỀU CỦA ĐIỀU LỆ TRƯỜNG ĐẠI HỌC BAN HÀNH KÈM

THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 153/2003/QĐ-TTG NGÀY 30 THÁNG 7 NĂM 2003 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Thực hiện Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Điều lệ trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số điều của Điều lệ trường đại học như sau:

 

I- GIẢI TÍCH MỘT SỐ KHÁI NIỆM

Trong Điều lệ trường đại học, một số khái niệm được hiểu như sau:

1- Trường đại học trọng điểm (khoản 4, Điều 2).

Trường đại học trọng điểm là trường đại học được xác định trong quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trong đó đào tạo những ngành nghề then chốt, với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Trường đại học trọng điểm phải là một cơ sở khoa học công nghệ mạnh, có khả năng nghiên cứu cơ bản; có đủ năng lực tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư tập trung, thể hiện ở đội ngũ giảng viên, năng lực quản lý, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành và thư viện hiện đại.

Trường đại học trọng điểm được xác định trong từng giai đoạn nhất định. Căn cứ vào thực tế phát triển của các trường, quy hoạch mạng lưới trường đại học trong từng thời kỳ, khả năng đầu tư của Nhà nước và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định danh mục các trường đại học trọng điểm.

2- Cơ quan chủ quản (Khỏan 2, Điều 4)

- Cơ quan chủ quản là cơ quan quản lý trực tiếp trường đại học về quy hoạch, kế hoạch phát triển, tổ chức, nhân sự, giao kế hoạch đào tạo hàng năm, cấp phát ngân sách nhà nước và quản lý tài chính tài sản. Cơ quan chủ quản của trường đại học công lập, bán công là Bộ, cơ quan ngang bộ, hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp tỉnh).

- Trường đại học dân lập, tư thục chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chịu sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở. Trường đại học dân lập, tư thục được tự chủ về tổ chức, nhân sự, kinh phí hoạt động.

 

II- QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC (ĐIỀU 8)

Trên cơ sở Điều lệ trường đại học, Thông tư hướng dẫn một số điều của Điều lệ trường đại học, Quy chế tổ chức và hoạt động của từng loại hình trường đại học và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, từng trường đại học tự xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động riêng cho trường mình, trình cơ quan chủ quản phê duyệt.

Quy chế tổ chức và hoạt động của từng trường đại học là văn bản pháp lý cho mọi hoạt động của trường. Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phải đảm bảo yêu cầu của Điều lệ trường đại học và các Quy chế đã ban hành, để quy định chi tiết, phù hợp với đặc thù của mỗi trường, như quy định rõ mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của trường, của từng tổ chức trong trường, mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trong trường và giữa trường với xã hội.

 

III- HỘI ĐỒNG TRƯỜNG VÀ HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (ĐIỀU 30)

1- Hội đồng trường:

Hội đồng trường được thành lập trong trường đại học công lập. Các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế và Đại học Thái Nguyên không thành lập Hội đồng trường. Hội đồng trường trong Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế và Đại học Thái Nguyên được gọi là Hội đồng đại học.

A) Số lượng thành viên Hội đồng trường:

Số lượng thành viên Hội đồng trường được xác định trên cơ sở đặc điểm và quy mô đào tạo của từng trường. Tổng số thành viên Hội đồng trường là một số lẻ, từ 15 đến 31 thành viên. Riêng Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế và Đại học Thái Nguyên, Hội đồng đại học có nhiều nhất là 45 thành viên.

B) Cơ cấu thành viên Hội đồng trường:

Cơ cấu thành viên Hội đồng trường bao gồm các thành viên đương nhiên, các thành viên được bầu trong trường và các thành viên được mời ngoài trường.

- Các thành viên đương nhiên:

Thành viên đương nhiên của Hội đồng trường trong trường đại học gồm có: Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng và Chủ tịch Công đoàn trường.

Thành viên đương nhiên của Hội đồng đại học trong Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế và Đại học Thái Nguyên gồm có: Bí thư Đảng ủy, Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Đại học, Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng trường đại học thành viên.

Tổng số thành viên đương nhiên không vượt quá 30% tổng số các thành viên của Hội đồng trường.

- Các thành viên được bầu trong trường gồm có:

+ Đại diện Hội đồng Khoa học và Đào tạo của trường, do Hội đồng Khoa học và Đào tạo bầu chọn.

+ Đại diện đội ngũ giảng viên của trường, do Hội nghị giảng viên toàn trường bầu chọn.

+ Đại diện cán bộ, công chức khối hành chính, do Hội nghị cán bộ - công chức khối hành chính bầu chọn.

+ Đại diện Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường và Hội sinh viên trường, do Ban Chấp hành Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường và Ban Chấp hành Hội sinh viên trường bầu chọn.

- Các thành viên được mời bên ngoài trường, có thể có các thành phần sau đây: Đại diện UBND cấp tỉnh, Tổ chức nghiên cứu khoa học, nhà quản lý giáo dục, nhà hoạt động chính trị xã hội, nhà doanh nghiệp, người đóng góp đầu tư xây dựng trường, nhân sĩ nước ngoài. Tổng số các thành viên được mời bên ngoài trường không vượt quá 20% tổng số thành viên của Hội đồng trường.

Số lượng thành viên của các thành phần kể trên do từng trường quyết định.

C) Quy chế hoạt động của Hội đồng trường:

Hội đồng trường có các nhiệm vụ được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 30 của Điều lệ trường đại học.

Hội đồng trường họp thường kỳ 6 tháng một lần. Khi cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng trường, của Hiệu trưởng, hoặc của trên 50% tổng số thành viên Hội đồng trường. Chủ tịch Hội đồng trường có thể triệu tập cuộc họp Hội đồng trường bất thường.

Hội đồng trường làm việc theo phương thức thảo luận, thông qua các quyết nghị tập thể tại cuộc họp Hội đồng trường để đưa ra các quyết định trong phạm vi các nhiệm vụ đã được quy định. Chủ tịch Hội đồng trường không tự mình đưa ra các quyết định.

Khi cần thiết, Chủ tịch Hội đồng trường có thể mời đại diện cơ quan chủ quản và đại diện lãnh đạo UBND cấp tỉnh nơi trường đóng tham dự cuộc họp. Các đại diện này có quyền phát biểu ý kiến nhưng không tham gia biểu quyết.

Các cuộc họp của Hội đồng trường phải có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng tham dự. Quyết nghị của Hội đồng trường phải được quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng trường nhất trí.

Chủ tịch Hội đồng trường là chuyên trách, được hưởng lương từ kinh phí của trường, các thành viên khác hoạt động kiêm nhiệm, chỉ hưởng phụ cấp trách nhiệm của trường. Hội đồng trường có văn phòng và các phương tiện làm việc do nhà trường bố trí và trang bị. Chủ tịch Hội đồng trường được dùng con dấu và bộ máy của trường trong phạm vi thực thi các nhiệm vụ của Hội đồng trường đã được quy định tại mục a, khoản 1, Điều 30 của Điều lệ trường đại học. Kinh phí hoạt động của Hội đồng trường trong kinh phí hoạt động của trường.

Căn cứ tình hình cụ thể của từng trường, Bí thư Đảng ủy trường, Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng cần xác định rõ mối quan hệ công tác, đảm bảo thực hiện đúng Điều lệ trường đại học và quan hệ phối hợp giữa các chức danh.

D) Quy trình bầu cử, công nhận các thành viên, Chủ tịch và Tổng thư ký của Hội đồng trường:

Quy trình bầu cử, công nhận các thành viên của Hội đồng trường được quy định như sau:

- Khi thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ đầu tiên:

Hiệu trưởng trình thủ trưởng cơ quan chủ quản xin phép về chủ trương, dự kiến số lượng và cơ cấu thành viên Hội đồng trường.

Hiệu trưởng phổ biến chủ trương thành lập Hội đồng trường về kế hoạch triển khai cho toàn thể cán bộ, công chức trường.

Hiệu trưởng tổ chức cho các bộ phận trong trường bầu chọn các đại diện của bộ phận mình làm thành viên bên trong trường.

Hiệu trưởng tổ chức để các thành viên bên trong trường (gồm các thành viên đương nhiên và các thành viên được bầu chọn) đề cử để lựa chọn các thành viên bên ngoài trường. Các thành viên được mời từ các tổ chức ngoài trường phải có quyết định cử của tổ chức đó.

Hiệu trưởng trình thủ trưởng cơ quan chủ quan để ra quyết định công nhận danh sách các thành viên Hội đồng trường. Sau khi có quyết định công nhận các thành viên của Hội đồng trường, Hiệu trưởng tổ chức để các thành viên của Hội đồng trường họp khóa đầu tiên bầu Chủ tịch Hội đồng trường và trình thủ trưởng cơ quan chủ quản ra quyết định bổ nhiệm.

- Khi trong trường đã có Hội đồng trường (kể từ nhiệm kỳ thứ hai trở đi): Trước khi hết nhiệm kỳ 6 tháng, Chủ tịch Hội đồng trường có trách nhiệm trình thủ trưởng cơ quan chủ quản về dự kiến số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng trường của nhiệm kỳ kế tiếp. Sau khi có ý kiến phê duyệt của thủ trưởng cơ quan chủ quản, Chủ tịch Hội đồng trường tổ chức bầu chọn các thành viên Hội đồng trường cho nhiệm kỳ kế tiếp theo cơ cấu thành viên nêu trên, trình thủ trưởng cơ quan chủ quản ra quyết định. Hội đồng trường mới họp bầu Chủ tịch Hội đồng trường, trình thủ trưởng cơ quan chủ quản ra quyết định bổ nhiệm.

Tổng Thư ký của Hội đồng trường do Hội đồng trường bầu và Chủ tịch Hội đồng trường ra quyết định công nhận.

E) Thủ tục thành lập Hội đồng trường:

Hiệu trưởng (đối với nhiệm kỳ đầu), Chủ tịch Hội đồng trường trình thủ trưởng cơ quan chủ quan về việc thành lập Hội đồng trường. Tờ trình cần nêu rõ các nội dung sau:

- Dự kiến số lượng thành viên Hội đồng trường.

- Dự kiến cơ cấu thành viên Hội đồng trường.

- Phương án phối hợp với tổ chức Đảng và các đoàn thể.

- Kế hoạch triển khai cụ thể.

Sau khi được thủ trưởng cơ quan chủ quản phê duyệt, Hiệu trưởng (đối với nhiệm kỳ đầu), Chủ tịch Hội đồng trường tổ chức triển khai theo quy trình nêu trên; trình thủ trưởng cơ quan chủ quản ra quyết định công nhận danh sách các thành viên của Hội đồng trường. Khi trình danh sách các thành viên cần kèm theo sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan quản lý trực tiếp nhân sự.

2- Hội đồng quản trị:

Hội đồng quản trị được thành lập trong các trường đại học ngoài công lập. Cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Hội đồng quản trị được quy định trong Quy chế tổ chức và hoạt động của từng loại hình trường ngoài công lập.

 

IV- HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC (ĐIỀU 31)

 

Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Hiệu trưởng được thực hiện theo Quyết định số 51-QĐ/TW ngày 03 tháng 5 năm 1999 của Bộ Chính trị và Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19 tháng 2 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo và các quy định khác của các cơ quan có thẩm quyền.

V- QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA HIỆU TRƯỞNG VỀ
TÀI CHÍNH, TÀI SẢN VÀ ĐẦU TƯ (ĐIỀU 35)

 

1. Khoản 1, 2, 3 Điều 35:

Hiệu trưởng là chủ tài khoản của trường đại học, chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ công tác quản lý tài chính, tài sản của nhà trường.

A) Hiệu trưởng có nhiệm vụ:

- Tổ chức, xây dựng, chỉ đạo và thực hiện kế hoạch tài chính hàng năm của trường.

- Chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc theo dõi thường xuyên việc chấp hành các quy định về quản lý tài chính, tài sản, hạch toán kế toán trong trường và giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân.

- Xét duyệt, giao kiểm tra việc thực hiện điều chỉnh các chỉ tiêu dự toán thu chi tài chính ngân sách các nội dung hoạt động cho các bộ phận, đơn vị cấp dưới trực thuộc.

- Tổ chức thực hiện các kế hoạch thu, chi tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, tu bổ, sử dụng tài sản, dự toán chi phí, hợp đồng kinh tế của trường. Thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định hiện hành.

- Tổ chức chỉ đạo việc chấp hành các chính sách kinh tế, tài chính, các chế độ tiêu chuẩn, định mức hiện hành, nghĩa vụ thu nộp đối với ngân sách, chế độ quản lý tiền mặt và kỷ luật tài chính của Nhà nước trong trường.

- Tổ chức bộ máy xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý tài chính - kế toán trong trường, bao gồm việc thành lập các tổ chức phù hợp với yếu cầu quản lý, có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ nghiệp vụ tài chính - kế toán trong trường, ban hành các nội quy, quy định cụ thể xác lập các mối quan hệ, lề lối làm việc trong quá trình quản lý tài chính - tài sản và hạch toán kế toán nội bộ trường.

- Tổ chức và chỉ đạo thực hiện việc tự kiểm tra tài chính, kiểm tra kế toán kiểm toán, thẩm tra xét duyệt quyết toán trong nội bộ trường, đáp ứng các yêu cầu quy định về thanh tra tài chính, kiểm tra kế toán, kiểm toán, thẩm tra xét duyệt quyết toán do cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính hay các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thực hiện tại trường.

B) Hiệu trưởng có quyền hạn:

- Ký duyệt hay bãi bỏ, ra quyết định về thu chi tài chính trong phạm vi quy định của trường, thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý tài chính, tài sản và đầu tư của Nhà nước.

- Quyết định về tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự của bộ phận nghiệp vụ tài chính kế toán trong trường và đề nghị cơ quan chủ quản bổ nhiệm kế toán trưởng; quy định chức năng, nhiệm vụ và các đơn vị trực thuộc trong quản lý tài chính, tài sản và quản lý đầu tư xây dựng theo phân cấp hiện hành.

- Quyết định điều tiết các nguồn vốn, quỹ, nguồn kinh phí, điều động tài sản giữa các đơn vị trực thuộc trong trường.

- Quyết định về việc kiểm tra tài chính, kiểm tra kế toán, kiểm toán, thẩm tra xét duyệt quyết toán trong nội bộ trường (gồm cả việc quyết định phúc tra và quyết định kết luận).

- Nếu có điểm nào không nhất trí với kết luận của thanh tra tài chính kiểm tra kế toán kiểm toán, thẩm tra xét duyệt quyết toán của cơ quan cấp trên cơ quan tài chính hoặc cơ quan khác có thẩm quyền, Hiệu trưởng có quyền bảo lưu ý kiến bằng văn bản gửi tới các cơ quan cấp trên có thẩm quyền để xử lý theo quy định hiện hành.

- Xét duyệt phân bổ nguồn tài chính; quyết định giao khoán kế hoạch thu chi tài chính ngân sách cho các đơn vị trực thuộc; điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch thu chi tài chính ngân sách, tiến độ thực hiện chi ngân sách cho các đơn vị trực thuộc.

- Quyết định ban hành quy chế chi tiêu nội bộ theo thẩm quyền xác định tại chế độ tài chính tương ứng hiện hành.

+ Hiệu trưởng các trường đại học công lập ban hành quy chế chi tiêu nội bộ trong phạm vi những nội dung chi được giao quyền tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp có thu theo Thông tư số 50/2003/TT-BTC ngày 22 tháng 5 năm 2003 của Bộ Tài chính, Thông tư số 21/2003/TTLB/BTC-BGD&ĐT ngày 24 tháng 3 năm 2003 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

+ Hiệu trưởng các trường đại học ngoài công lập ban hành quy chế chi tiêu nội bộ sau khi Hội đồng quản trị đã có quyết nghị phê chuẩn phù hợp với quy định hiện hành theo Thông tư số 18/2000/TT/BTC ngày 1 tháng 3 năm 2000 của Bộ Tài chính và Thông tư số 44/2000/TTLB/BTC-BGD&ĐT-BLĐTB&XH ngày 23 tháng 5 năm 2000 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2- Khoản 4, 5, 6 Điều 35:

Thẩm quyền quyết định đầu tư, quản lý các dự án đầu tư và xây dựng được quy định theo các Điều 10, 11 và 12 của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8 tháng 7 năm 1999, bổ sung và sửa đổi theo Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng.


VI- MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÁC

 

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện, có gì vướng mắc, cần phản ảnh kịp thời về Bộ Giáo dục và Đào tạo để giải quyết.

 

Tên văn bản : Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ
Loại văn bản : Thông tư
Số hiệu : 18/2004/TT-BGD&ĐT
Ngày ban hành : 21/06/2004
Cơ quan ban hành : Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Người ký : Trần Văn Nhung,
Ngày hiệu lực :
Văn bản liên quan : 0    Đóng